Đáng chú ý, mẫu đèn khử trùng này có giá bán tương đối rẻ: Chỉ khoảng 79 tệ (270.000 đồng) nếu người dùng mua trên nền tảng huy động vốn cộng đồng Youpin. Khi được bán chính thức vào trung tuần tháng 2, đèn sẽ có giá bán khoảng 149 tệ (520.000 đồng).
Theo tuyên bố từ phía nhà sản xuất, sản phẩm có khả năng tiêu diệt 99,9% vi khuẩn và virus có hại. Để có thể khử trùng, thiết bị được trang bị một bóng đèn có khả năng phát ra tia cực tím (UVC), vốn có đặc tính diệt khuẩn. Khi bóng đèn được làm nóng, nó tạo ra các tia cực tím (tia UV) có bức xạ sóng ngắn.
Theo Wikipedia, tia UV có thể được chia thành các phạm vi khác nhau, với các tia cực tím có bước sóng ngắn (UVC) được coi là "germicidal UV" (tia UV diệt trùng). Ở bước sóng nhất định, UV gây đột biến vi khuẩn, virus và các vi sinh vật khác. Đặc biệt ở các bước sóng khoảng 260 nm 270 nm, tia UV phá vỡ liên kết trong phân tử DNA vi sinh vật, tạo ra dimer thymine có thể giết chết hoặc vô hiệu hóa các sinh vật. Do acid nucleic và ADN của vi khuẩn và virus bị tia UV phá hủy, các vi sinh vật có ít sự bảo vệ khỏi tia cực tím và không thể tồn tại kéo dài tiếp xúc với nó.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rõ, việc thiết bị này có thực sự hoạt động hiệu quả với chủng virus corona mới (nCoV) hay không chưa được bất kì cơ quan chức năng nào của Trung Quốc kiểm tra và xác nhận.
Theo Topesdegama, cơ chế hoạt động của đèn khử trùng Xiaomi cũng khá đơn giản. Thiết bị này có duy nhất một nút bấm, vốn sẽ nhấp nháy đèn LED màu xanh báo hiệu đèn đã bắt đầu hoạt động nếu người dùng giữ nút hơn 3 giây.
Đèn sẽ liên tục sáng và phát ra tia cực tím trong vòng 30 phút, sau đó tự động tắt trong khoảng 2,5 giây trước khi khởi động trở lại. Với tổng cộng 3 lần bật tắt, đèn khử trùng của Xiaomi sẽ diệt sạch vi khuẩn và virus trong không khí trong khoảng thời gian 1,5 tiếng.
Bên cạnh đó, kiểu dáng của mẫu đèn này cũng được Xiaomi thiết kế để có thể khử trùng ở nhiều phía khác nhau. Với kích thước khá nhỏ gọn, thiết bị không cần cắm điện để hoạt động. Thay vào đó, Xiaomi đã tích hợp một viên pin dung lượng 700 mAh, cho phép người dùng sử dụng cổng sạc microUSB khi hết pin.
Do thiết bị này đạt hiệu quả cao nhất ở không gian chật hẹp, người dùng có thể đặt trong phòng ngủ, nhà vệ sinh hay trong tủ lạnh. Tuy nhiên, do tác hại của tia cực tím có thể gây ung thư da nếu tiếp xúc trực tiếp, người dùng cần rời khỏi nơi đặt đèn khử trùng khi thiết bị đang hoạt động.
Có một đáng lưu ý, là đèn khử trùng Xiaomi không trang bị bất kì tính năng thông minh nào, ví dự như kết nối với ứng dụng trên điện thoại. Trên thực tế, đây cũng là mục đích chính của Xiaomi khi tung ra sản phẩm này: Mang tới một sản phẩm có khả năng diệt virus và vi khuẩn có hại với giá bán phải chăng, cho phép tiếp cận tới đại đa số người dân trong bối cảnh virus corona mới đang lây truyền với tốc độ chóng mặt tại Trung Quốc. Hiện tại, mẫu đèn khử trùng của Xiami hiện chỉ được bán tại quốc gia tỷ dân.
Tham khảo Topesdegama/Wikipedia