Cửa xe sẽ được mở theo dạng trượt "vì vậy người đi xe sẽ an toàn hơn".
CEO của Cruise, Dan Ammann cho biết, Origin không phải là một chiếc xe concept, và nó đã sẵn sàng để sản xuất với mục đích dành cho dịch vụ xe tự lái trên quy mô lớn, nhưng chưa rõ thời điểm ra mắt chính xác của dịch vụ này là vào lúc nào.
Theo các quy định của Mỹ, chiếc xe tự lái này không đáp ứng các yêu cầu cụ thể về thiết kế, sản xuất, hiệu năng và độ bền dành cho các phương tiện có động cơ. Vì vậy, chiếc xe này sẽ khó có thể sớm vận hành trên các tuyến đường công cộng.
Mặc dù vậy, Origin vẫn đang được sử dụng trong các môi trường tư nhân như trong các cơ sở sản xuất của GM tại Michigan và thậm chí cả các cơ sở sản xuất của Honda tại Mỹ.
Hãng GM sẽ đảm nhiệm việc sản xuất chiếc xe này, cho dù Ammann không cung cấp thêm các chi tiết của việc này. Nhưng vị CEO này cũng nhấn mạnh đến chi phí thấp của phương tiện này, khi nó được thiết kế để vận hành trong một triệu dặm (khoảng 1,6 triệu km).
Anh cho biết thêm rằng, phương tiện này sẽ được sản xuất "với chi phí chỉ bằng ½ của một chiếc SUV chạy điện thông thường hiện nay."
Hiện tại, không chỉ GM, nhiều hãng xe khác cũng đang tham vọng ra mắt xe tự lái, tích cực nhất trong số đó là Tesla khi CEO Elon Musk từng tuyên bố sẽ ra mắt chiếc xe tự lái hoàn toàn vào cuối năm nay. Hãng Ford cũng dự định thương mại hóa chiếc xe tự lái của họ vào năm 2021 trong khi hãng Hyundai Motor đã tạo ra một liên doanh 4 tỷ USD với nhà cung cấp Aptiv để ra mắt xe tự lái vào năm 2022.
Hiện tại hãng Cruise đã huy động được 7,25 tỷ USD từ các nhà đầu tư như Honda, quỹ Vision Fund của SoftBank và hãng T. Rowe Price Associates. Với các khoản đầu tư mới nhất trong tháng 5 năm 2019, công ty này hiện đang được định giá 19 tỷ USD