Pha giảm giá "sốc" của Vsmart Live cho thấy định hướng mới của smartphone từ VinGroup.
Vsmart sẽ tiếp tục đi theo hướng đi này. Mới đây, đại diện Vsmart đã xác nhận với chúng tôi rằng công ty này sẽ tập trung vào phân khúc 10 triệu đồng trở xuống, trong đó phần lớn sản phẩm sẽ có giá dưới 7 triệu đồng. Đặc biệt, thông tin được đưa ra bên lề sự kiện VinGroup khởi công nhà máy lắp ráp điện thoại với công suất tối đa 125 triệu máy/năm.
Đâu là lý do cho sự chuyển hướng đầy bất ngờ này của Vsmart?
Không nên "đánh" khúc premium
Trước hết, hãy cùng nói về sự biến mất của Vsmart Lux. Thực tế là ngay vào thời điểm ra mắt, Lux đã là một ý tưởng khá… tệ. Cái tệ đầu tiên là phải cạnh tranh với iPhone và Galaxy S/Note. Apple vẫn là ông vua cao cấp với thị phần áp đảo ở tất cả các khung giá 400 – 600 USD, 600 – 800 USD và 800 USD trở lên, trong đó iPhone chiếm đến 79% khung giá "20 triệu" mà Lux từng định nhắm tới. Thậm chí tại Việt Nam, số liệu mùa hè cho thấy chiếc iPhone 7 cũ mèm vẫn áp đảo phân khúc 10-15 triệu.
Trong khi đó nếu không chọn iPhone, cái tên được người dùng lựa chọn tiếp theo chắc chắn là Samsung. Đã nhiều năm qua, chưa một hãng smartphone nào có thể chen được vào cuộc song đấu giữa 2 ông lớn này.
Sự đón nhận hờ hững dành cho Bphone cho thấy hướng đi cận cao cấp/cao cấp không phải là hướng đi đúng đắn cho smartphone Việt.
Cái tệ thứ hai là phân khúc cao cấp đang đi xuống – ngay cả chiếc iPhone 11 được đánh giá rất tốt cũng chưa thể giúp doanh thu từ iPhone ngừng suy giảm. Cái tệ cuối cùng là sự bế tắc của thị trường smartphone: suốt 3 năm qua, chẳng nhà sản xuất nào có thể tạo ra một tính năng thực sự "đỉnh" để hạ đo ván các đối thủ khác. Số liệu thống kê trước ngày iPhone 11 ra đời cho thấy iPhone XR, iPhone 11 Max và iPhone 8 là những mẫu smartphone cao cấp duy nhất lọt vào top 10 smartphone bán chạy. Cạnh tranh cao cấp thực sự cần những sáng tạo gây sốc, và trong suốt 3 năm qua cuộc đua ấy đang rơi vào tình cảnh bế tắc: Apple vẫn làm chủ cả phân khúc, Android chỉ có đại diện duy nhất đáng kể tên là Samsung.
VinGroup vốn nổi tiếng là thực dụng. 1 năm là khoản thời gian quá đủ để Vsmart hiểu rằng, ra mắt một chiếc smartphone không nổi bật rồi ngã ngựa trước các đối thủ hùng mạnh là hướng đi không thực tế. Trước Vsmart, đã có 1 nhà smartphone Việt đi theo hướng đi ấy. Tham vọng của Vsmart liệu có dừng lại ở những gì Bphone đã làm được?
Viên gạch đầu tiên cho đế chế tương lai
Smartphone giá rẻ rõ ràng sẽ dễ lấy lòng người Việt hơn.
Cuộc đua giá rẻ lại rất khác. Dĩ nhiên, cuộc đua này cũng có cái tệ của riêng mình: bán smartphone giá rẻ là bán smartphone không có lợi nhuận. Các bản báo cáo tài chính của Xiaomi là minh chứng khá rõ rệt cho điều này.
Song, VinGroup rõ ràng là không chỉ có smartphone và cũng không chỉ có mảng công nghệ. Nhắc đến VinGroup vẫn là nhắc đến bất động sản, bán lẻ, dịch vụ v…v… Tất cả các mảng kinh doanh của Vin đều có thể được thúc đẩy bằng một thứ tài sản vô giá: dữ liệu. Dữ liệu, và trải nghiệm của tất cả các mảng kinh doanh của VinGroup đều có thể được tích hợp vào một thiết bị duy nhất: chiếc smartphone.
Đó là tương lai, còn trong quá khứ, số liệu ước tính cho thấy 11 tháng đầu năm 2017 tổng lượng smartphone bán ra ở Việt Nam chỉ đạt 13,5 triệu máy, và năm 2018 không có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Thị trường cũng đang tràn ngập smartphone giá rẻ từ Trung Quốc. Điều này cho thấy tiềm năng cho smartphone Việt giá "mềm" chất lượng cao vẫn còn rất lớn. Định hướng khung giá mới cùng "siêu nhà máy" tại Hòa Lạc có thể tạo ra bước ngoặt cho smartphone Việt trên thị trường sân nhà.
Smartphone giá rẻ là bước ngoặt để kiến tạo một thế lực hi-tech Việt Nam trong tương lai.
Từ bước ngoặt ấy, con đường để Vsmart bước chân vào thế giới hi-tech của tương lai, nơi vạn vật kết nối, tạo ra những tiện ích thông minh chưa từng có và một nguồn data khổng lồ giúp VinGroup "hiểu" khách hàng hơn bao giờ hết. Thông cáo báo chí cho sự kiện khởi công nhà máy Vsmart tại Hòa Lạc có đoạn: "Bên cạnh điện thoại, VinSmart sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử thông minh, kết nối vạn vật (IoT) như SmartHome, SmartTV… Công ty VinSmart cũng tiếp cận các hãng cung cấp chipset, linh kiện, phụ kiện trong nước và quốc tế để trực tiếp làm chủ chuỗi cung ứng và kiểm soát chất lượng sản xuất của các thiết bị điện tử thông minh trước khi đưa ra thị trường".
Tất cả tương lai này bắt đầu từ chiếc điện thoại. Và thực tế nhất lúc này, là những chiếc điện thoại giá mềm.
Nguồn : Genk