Năm 2019, nhắc đến camera trên smartphone là nhắc đến những dòng code.
Tại sao ư? Bởi camera trên smartphone giờ là camera của những dòng code. Trong nhiều năm, Apple, Google và Samsung đã thực sự cách mạng hóa khái niệm "nhiếp ảnh" khi thay đổi trọng tâm từ phần cứng sang phần mềm. Qua các mẫu smartphone cao cấp, 3 ông lớn này đã chứng minh rằng chỉ thuật toán thôi là đã quá đủ để tạo ra những bức ảnh ngoài sức tưởng tượng.
Ví dụ, cả Apple và Samsung đều cho phép người dùng có thể lấy nét sau khi chụp bằng cách giả lập sự thay đổi về tiêu cự. Không cần đèn flash studio, Apple giả lập vị trí của ánh sáng chiếu lên người mẫu. Không cần camera kép, Google dùng camera đơn để đo độ sâu của trường ảnh và tạo ra ảnh bokeh. Đáng kinh ngạc nhất, chẳng cần có lens khủng, gã khổng lồ tìm kiếm còn đem đến khả năng zoom số với chất lượng gần như zoom quang.
Ở phía ngược lại, kẻ đầu tiên tung ra smartphone 5 camera là Nokia đã cho thấy nhiều cam có thể đi kèm với… thất bại. Nhiều camera nhưng Nokia không biết cách kết hợp hay phân bổ các camera này, đặc biệt khâu xử lý vẫn còn quá giới hạn.
Mù quáng chạy đua phần cứng có thể mang lại hiệu quả tiêu cực.
Hay, đem so sánh trực tiếp giữa Pixel và smartphone nhiều cam, nhiều trang đánh giá uy tín vẫn đưa ra nhận định rằng Google tạo ra bokeh thật nhất, chính xác nhất. Đâu phải vô cớ mà nhiều hãng đã chọn con số 3 (1 cam chính, 1 cam góc rộng và 1 cam tele), bởi lý do đơn giản là có thêm camera cũng chẳng để làm gì. Đã có thuật toán hỗ trợ, bất cứ tác vụ nào cũng đều thực hiện được bằng 3 camera này mà thôi.
Niềm hy vọng (đã mất) vào Sony
Nếu một ông lớn nào đó có thể phá vỡ giới hạn của con số 3, thì đó chỉ có thể là Sony. Lý do: Sony chẳng giống với bất kỳ hãng smartphone nào khác cả. Sony vừa là nhà sản xuất smartphone, vừa là thế lực trong làng máy ảnh. Nói cách khác, có thể thua kém những dòng code, nhưng Sony là hãng smartphone duy nhất biết cách vận dụng các yếu tố vật lý trên camera.
Sự thực là như vậy. Ngoại trừ Samsung từng có giai đoạn kinh doanh máy ảnh (giờ đã từ bỏ), không một hãng nào khác kinh doanh DLSR hay MLC chứ đừng nói là kinh doanh có tiếng như Sony. Mặc cho Huawei có khoe Leica, Nokia có khoe Carl Zeiss, sự thực là các hãng này chỉ đem thương hiệu về làm marketing chứ chẳng phải là đem "hồn" máy ảnh thổi vào chiếc smartphone. Xperia giờ không còn là một bộ phận độc lập mà đã được chuyển giao cho nhóm phát triển máy ảnh Alpha lừng lẫy. Nếu Sony phát triển smartphone có 6 camera, đó sẽ là chiếc smartphone mang linh hồn của Alpha.
Với hiểu biết về máy ảnh, Sony lẽ ra đã có thể lật ngược thế cờ trong cuộc chiến phần cứng vs phần mềm...
Nhưng những phản hồi thiếu tích cực dành cho Xperia One cho thấy giờ không còn ai muốn chụp máy ảnh theo kiểu "Pro" nữa...
Nhưng giấc mơ ấy đã chết. Tin đồn từ tháng 7 đến giờ đã im bặt. Mảng smartphone của Sony tiếp tục chìm vào suy thoái. Các bài đánh giá Xperia One đều lớn tiếng chê bai yếu tố màu sắc. Không ai hiểu rằng, Sony làm camera smartphone dành cho người chuyên nghiệp, biết sử dụng ảnh RAW. Tất cả mọi người giờ đã chạy theo tư duy của Apple và Google, dùng phần mềm để tạo ra những bức ảnh "dễ dùng" nịnh mắt nhất.
Thay vì khoe smartphone mới, thay vì khiến báo giới phải tốn giấy mực về Xperia 6 camera, Sony lại tiếp tục khoe cảm biến IMX. Sony lại quay trở về với vị trí quen thuộc của mình trong cuộc chiến camera smartphone đang bùng nổ: ở phía sau Apple, Google và những chiếc smartphone Trung Quốc...
Giờ thì mọi thứ chỉ còn là giấc mơ với những ai còn tình cảm với "đại đế". Ai biết được, Sony sẽ dùng cảm biến như thế nào cho 6 chiếc camera kia? Ai biết được, trong tay một gã khổng lồ nhiếp ảnh thực thụ, phần cứng liệu có thể lật ngược ván cờ trước phần mềm.
Giấc mơ chỉ còn là giấc mơ. Còn hiện thực của Xperia đã chết cùng chiếc smartphone Sony không bao giờ ra mắt nữa.
Nguồn : Genk