Lượng tuyển dụng trong lĩnh vực IT (Công nghệ thông tin) sụt giảm mạnh nhất.
Lời hứa ngầm khét tiếng từng dành cho lao động trong ngành công nghệ của nước này – làm nhiều và giàu nhanh – giờ đã không còn nữa. Trong nhiều năm nay, các lao động trong ngành công nghệ tại Trung Quốc đã chấp nhận lịch làm việc 996 – 9h sáng đến 9h tối và 6 ngày một tuần, thậm chí làm qua đêm và thêm giờ - để đổi lấy sự giàu có mà họ thèm muốn trước đây.
Giờ đây nhiều người sẵn sàng nhận lấy mức lương thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 2.000 USD mỗi tháng như trường hợp của Hu. Họ nhận ra rằng, lòng trung thành mù quáng không phải lúc nào cũng được đền bù xứng đáng. Trong tháng Ba vừa qua, hàng loạt các lập trình viên ẩn danh của Trung Quốc đã dùng nền tảng chia sẻ mã nguồn GitHub để phản đối lịch làm việc 996 này.
Họ liệt kê một danh sách đen các công ty không trả tiền làm thêm giờ và gửi khiếu nại về ông chủ của mình lên các cơ quan quản lý địa phương về lao động. Bài đăng trên GitHub của họ đã lan rộng ra toàn cầu và thu hút đến gần ¼ triệu người theo dõi. Nhiều cái tên trong danh sách đó cũng là các công ty tiếng tăm ở Trung Quốc như Alibaba, hay JD.com, khi những người sáng lập như ông Jack Ma hay Richard Liu đều lên tiếng ủng hộ nhiệt thành cho 996.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Mặt khác, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghệ Trung Quốc. Tháng Năm vừa qua, Huawei bị chính phủ Mỹ cấm mua linh kiện từ Mỹ và mới đây nhất là 8 công ty công nghệ khác của Trung Quốc. Làm gia tăng sự bất mãn của các lao động trong ngành công nghệ vào thời điểm này sẽ càng làm suy giảm tăng trưởng của cả ngành.
"Đối mặt với việc thu nhập ngày càng khó khăn hơn, những người làm 996 ở Trung Quốc có thể mất đi nhiệt huyết của mình." Brock Silvers, giám đốc quản lý tại hãng đầu tư Kaiyuan Capital tại Thượng Hải cho biết. "Điều này hoàn toàn trái ngược với nhu cầu đang tăng trưởng của ngành công nghệ Trung Quốc."
Suji Yan, nhà sáng lập 23 tuổi của hãng riêng tư dữ liệu Dimension tại Thượng Hải, cho biết, thế hệ trẻ hiện nay trân trọng việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn, và anh cho phép các nhân viên của mình có thể linh hoạt trong giờ làm việc cũng như có thể làm việc từ xa ở bất cứ đâu trên toàn cầu. Anh cho rằng sẽ mất từ một đến hai thập kỷ đê thay đổi văn hóa làm việc căng thẳng của Trung Quốc.
Khi giấc mộng làm giàu tan vỡ, "các lập trình viên càng ngày càng nhận ra rằng họ chỉ là những người lao động bình thường, những người ngang hàng với các anh chàng giao hàng thực phẩm và cũng đáng thương giống như họ." Yan cho biết.
Trong lần suy thoái mới đây của ngành công nghệ nước này vào năm 2016, hàng loạt công ty dừng tuyển dụng và cắt giảm lao động, trong số đó nhiều công ty còn cho biết điều chỉnh lại giá trị sổ sách, định giá lại tài sản và cắt giảm chi phí. Điều này làm cho các nhà đầu tư thận trọng chỉ rót tiền vào các công ty đã có nền tảng sẵn, giúp đẩy mạnh giá trị của những startup lớn nhất cả nước và tạo nên sự trỗi dậy của một vài người khổng lồ công nghệ kiểm soát hầu hết mọi lĩnh vực.