Tiêm vi khuẩn vào khối u để giết chết tế bào ung thư: Thử nghiệm cho kết quả đầy hứa hẹn
Trên thực tế, nghiên cứu mới gợi lại cho chúng ta một thí nghiệm đã được thực hiện cách đây hơn một trăm năm. Vào những năm 1890, William Coley, một bác sĩ ung thư người Mỹ cũng đã từng tiêm vi khuẩn vào bên trong khối u của những bệnh nhân không thể phẫu thuật. Có điều, đó đều là những con vi khuẩn đã bị giết chết.
Coley đã tuyên bố phương pháp của mình đem lại thành công. Và từ những năm 1960, hỗn hợp vi khuẩn với cái tên "Độc tố Coley" đã từng được bán ở Mỹ như một phương pháp điều trị ung thư thật sự.
Mặc dù vậy, nhiều bác sĩ đã chất vấn kết quả của Coley, không biết nó có đáng tin cậy hay không. Song song với đó, các phương pháp điều trị ung thư mới như hóa xạ trị ra đời đã cho hiệu quả vượt xa "Độc tố Coley". Từ đó tới nay, chúng vẫn giữ được sự thống trị trong lĩnh vực, trở thành những liệu pháp tiêu chuẩn mỗi khi các bác sĩ điều trị ung thư cho bệnh nhân.
Nhưng bốn năm trở về trước, một nhóm lớn các nhà ung thư học đã lật lại lịch sử. Họ đề xuất việc tiêm vi khuẩn vào bên trong khối u thực sự có thể trở thành phương pháp điều trị ung thư hiệu quả hơn.
Bài báo được nhóm xuất bản trên tạp chí Khoa học Y học mô tả quá trình 6 trong tổng số 16 con chó thí nghiệm có khối u ung thư dạng rắn đã co nhỏ, hoặc thậm chí biến mất khi được tiêm vi khuẩn Clostridium novyi ở dạng sống.
Tất nhiên trong nghiên cứu đó, các nhà khoa học đã loại bỏ một gen sản sinh độc tố khỏi Clostridium novyi khiến nó trở nên an toàn hơn.
Hình ảnh những khối u trên chó giảm kích thước sau khi được tiêm vi khuẩn
Tìm thấy động lực từ thí nghiệm trên chó, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp để điều trị cho một người phụ nữ 53 tuổi mắc leiomyosarcoma, một dạng ung thư tiên phát trong cơ trơn.
Kết quả là khối u của người phụ nữ cũng co lại, mặc dù sau đó bà ấy đã tìm đến các phương pháp điều trị ung thư khác. Đó là bệnh nhân đầu tiên, nhưng đến giờ đã không còn là bệnh nhân duy nhất thử nghiệm phương pháp tiêm vi khuẩn sống.
Trong một nghiên cứu lâm sàng mới được Filip Janku, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Ung thư MD Anderson, Đại học Texas dẫn đầu, 23 bệnh nhân mắc ung thư sarcoma tiến triển hoặc các khối u rắn khác từ ung thư vú đến melanoma đã nhận được một mũi tiêm vào khối u của họ.
Mũi tiêm đó chứa từ 10.000 đến 3 triệu bào tử Clostridium, một dạng vi khuẩn ngủ đông không hoạt động.
Bác sĩ Janku thuộc nhóm các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu bốn năm về trước. Nhưng kết quả lần này vẫn khiến ông và cả nhóm của mình kinh ngạc. 19 bệnh nhân, bao gồm cả người phụ nữ mắc ung thư bốn năm trước vẫn còn sống, đã ổn định được căn bệnh.
Ổn định có nghĩa là khối u của họ không tiếp tục phát triển sau khi điều trị. Mặc dù các mũi tiêm chỉ mang tính cục bộ tại chỗ, nhưng đôi khi vi khuẩn được tiêm vào cũng ổn định và làm giảm sự phát triển của cả những khối u ở vị trí khác không được tiêm trong cơ thể, bác sĩ Janku nói.
Ông suy đoán, một phản ứng viêm mà cơ thể dùng để đối phó với bào tử Clostridium cũng có thể tạo ra phản ứng miễn dịch chống ung thư. Trong số 11/19 bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy hiện tượng sốt, đau và sưng tại vị trí vết tiêm. Chúng xảy ra khi các bào tử nảy mầm, nghĩa là vi khuẩn ngủ đông đã thức dậy để tiếp tục sinh sản.
Vi khuẩn có thể tự mình hoặc kích thích hệ miễn dịch chiến đấu và tiêu diệt ung thư
Nhưng cũng có thể cảm nhận, chiến lược điều trị này có tiềm ẩn một số nguy cơ. Trên thực tế, hai bệnh nhân được tiêm liều bảo tử cao nhất đã phát triển hoại tử và nhiễm trùng máu – một tình trạng đe dọa tính mạng của họ. Bệnh nhân thứ ba được tiêm vi khuẩn liều cao cũng bị nhiễm trùng máu.
Hướng nghiên cứu này còn quá mới, khiến việc cân nhắc độ an toàn quay trở lại câu hỏi: Liệu nên tiêm bao nhiêu bào tử vào khối u là đủ?
Các nhà khoa học cũng chưa biết câu trả lời, nhưng họ biết chắc mình đã chạm tới một lĩnh vực hứa hẹn. "Chúng tôi đã thực hiện một cú lặn sâu vào cơ chế này" bác sĩ Janku nói.
Các vi khuẩn giải phóng nhiều loại enzyme khác nhau có thể bóp vỡ các tế bào khối u. Và cũng giống như bất kỳ yếu tố ngoại lai nào xâm nhập cơ thể, chúng sẽ đưa hệ thống miễn dịch vào trạng thái viêm có thể nhắm mục tiêu vào khối ung thư.
Từng bước phương pháp trị liệu này hoạt động thế nào vẫn là điều cần giải đáp. Tuy nhiên, dựa trên tỷ lệ ổn định khối u trên nhiều bệnh nhân, "bạn biết rằng nó hiệu quả", nhà miễn dịch học Dzana Dervovic đến từ Viện nghiên cứu Lunenfeld-Tanenbaum ở Toronto, Canada nhận định.
Những phát hiện mới này được báo cáo dựa trên thử nghiệm đã được thực hiện từ năm 2013 đến 2017. Hiện tại, bác sĩ Janku cho biết ông đã tiến hành một thử nghiệm mới từ đầu năm 2019. Để biết liệu phương pháp điều trị ung thư bằng vi khuẩn sống có một lần nữa tỏ ra hiệu quả hay không, chúng ta sẽ phải chờ kết quả của thử nghiệm năm 2019 này.