Công ty vũ trụ SpaceX chế tạo thành công Crew Dragon, tàu du hành có khả năng đưa người lên không gian đầu tiên, vậy mà chưa bao giờ họ cho Crew Dragon lên không mà có người ngồi trong cả. Vậy mà tuần vừa rồi, SpaceX đã công bố một con tàu to lớn hơn, thậm chí còn lấp lánh dưới ánh đèn flash của báo giới: tàu Starship làm bằng thép không gỉ, có sức chứa lên tới 100 người.
NASA không hài lòng lắm với màn ra mắt cùng những hứa hẹn này của Elon Musk.
Lý do đơn giản thôi: Crew Dragon, dự án hợp tác giữa SpaceX và NASA nhằm nghiên cứu và lắp ráp khoang chở hàng hóa và phi hành đoàn, sẽ nằm trên tên lửa Falcon Heavy để lên không, vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, đến lúc này đã là chậm tiến độ. SpaceX nhận được hợp đồng này từ năm 2014, hứa hẹn Crew Dragon sẽ đưa phi hành gia lên không vào 2017, thế mà tháng Ba vừa rồi, SpaceX mới thực hiện thành công một chuyến bay không người lái.
SpaceX và NASA dự tính sẽ tiến hành sứ mệnh có người lái vào cuối năm 2019, thế nhưng khi khoang Crew Dragon phát nổ hồi tháng Tư vừa rồi, họ lại phải trì hoãn vô thời hạn. Ngày 30 tháng Chín vừa qua, Elon Musk hứa hẹn Crew Dragon sẽ sẵn sàng trong 3-4 tháng nữa, nhưng bởi giám đốc NASA là Jim Bridenstine không vừa lòng với một lời hứa suông nữa, NASA dự định sẽ “quá giang” trên tàu vũ trụ của Nga.
Ông Bridenstine đã có lời chỉ trích nhẹ nhàng trên Twitter:
“Tôi vẫn trông đợi tới thời khắc công bố dự án mới của SpaceX. Nhưng trong khi đó, dự án Commercial Crew thì lại đang chậm tiến độ nhiều năm rồi. NASA mong ngóng đối tác cũng nhiệt tình với dự án cũ như với dự án sắp sửa ra mắt, mong họ tập trung hơn vào những khoản đầu tư lấy nguồn vốn từ chính tiền thuế của người Mỹ. Giờ là lúc các anh thực hiện lời hứa”.
Hà cớ gì mà SpaceX phải dựng lên hai loại tàu du hành, và tại sao lại xuất hiện mối quan hệ căng thẳng với cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới?
Crew Dragon là dự án nhằm thay thế cho chương trình tàu con thoi vốn đã được NASA khai tử hồi năm 2011. Lúc đó, NASA không sẵn phương tiện đưa phi hành gia lên không, và dã phải nhờ tàu du hành của Nga để lên xuống Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Trong khi đó, Starship là một dự án mang theo một mục tiêu hoàn toàn khác: nó phục vụ mục đích định cư Sao Hỏa của Elon Musk. Nó sẽ không phục vụ bất cứ sứ mệnh nào của NASA, mà cũng không bay lên từ cơ sở nào của NASA (hoặc ít ra là chưa).
Khi không còn tàu để lên vũ trụ, NASA ký hợp đồng với các công ty tư nhân như Boeing và SpaceX. Trong khi đó, họ dồn nguồn lực kỹ thuật vào dự án Hệ thống Phóng Không gian - Space Launch System (SLS), nhằm xây dựng một trụ cột mới trong tương lai; cái trụ này sẽ gánh vác mọi sứ mệnh lên quỹ đạo thấp (vệ tinh và các trạm vũ trụ), góp công xây dựng trạm Mặt Trăng làm bàn đạp tới Sao Hỏa và các tiểu hành tinh lân cận.
Họa sĩ vẽ phác thảo SLS của NASA.
Thế rồi SLS cũng bị trì trệ nhiều năm liền, SpaceX cũng chưa hoàn thiện Crew Dragon, NASA đang lâm vào thế bí khi nhiều khả năng, họ sẽ lại phải dựa dẫm vào tàu của Nga.
Trên lý thuyết, Crew Dragon sẽ là phương án du hành vũ trụ ít tốn kém, hiệu quả nhất có thể. Lý do chính: NASA có thể tái sử dụng con tàu này, và nó có thể đưa lên quỹ đạo tới 7 phi hành gia/chuyến; chi phí đưa người lên không gian sẽ giảm đáng kể. Thế nhưng nó không phải mục tiêu duy nhất của Musk.
Sự cố phát nổ Crew Dragon.
Trong quá khứ, đã rất nhiều lần CEO của SpaceX nhắc tới ước mơ của một quả tên lửa khổng lồ, đưa được cả trăm người lên Sao Hỏa, ít nhiều giống với SLS của NASA. Rồi Musk chính thức ra mắt Starship, một con tàu sẽ thực hiện được mọi sứ mệnh giống SLS, ở một quy mô còn lớn hơn.
Nếu như dự án Crew Dragon mà đúng tiến độ, ta đã không phải nhìn thấy một Jim Bridenstine đôi chút bực mình trước màn ra mắt Starship. Tuy thế, hôm 3 tháng Mười vừa rồi, Bridenstine có nói trên Twitter rằng mình “vừa có cuộc trò chuyện điện thoại” với Elon Musk, chuẩn bị tham quan trụ sở của SpaceX vào thứ Năm tuần này. Có vẻ mọi thứ đã dịu đi.
Chính Elon Musk cũng nói rằng SpaceX vẫn tập trung trí lực vào dự án Crew Dragon, thêm rằng Starship chỉ chiếm 5% tổng lượng tài nguyên của SpaceX.
Tham khảo Live Science