Tim Cook tuyên bố Apple nói không với tiền điện tử.
Theo Facebook, Libra là công nghệ blockchain thế hệ mới và sẽ giúp người dân ở các nước đang phát triển tiếp cận với dịch vụ ngân hàng dễ dàng hơn. Để xoa dịu những ý kiến cho rằng công ty sẽ kiểm soát người dùng nếu Libra được phổ biến rộng rãi, Facebook đã thành lập khối liên minh phi lợi nhuận với 28 cái tên lớn trong ngành tài chính và tiền tệ (như PayPal, VISA, Mastercard…). Nếu thành công, Libra và Facebook sẽ trở thành một thế lực có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới bằng cách giúp người dùng thanh toán, quản lý quỹ kỹ thuật số và gửi, nhận tiền quốc tế.
Đồng tình với ý kiến của CEO Tim Cook là các chính trị gia cao cấp, nhà quản lý, nhà lập pháp, chuyên gia tài chính. Đặc biệt hơn khi Facebook liên tục bị chỉ trích trong thời gian gần đây về vấn đề bảo mật, thậm chí Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell từng nói rằng Libra sẽ làm dấy lên “quan ngại sâu sắc về quyền riêng tư, rửa tiền, bảo vệ người dùng và ổn định tài chính”. Bên cạnh đó, cả Đức và Pháp đều công khai ngăn chặn việc triển khai tiền tệ này ở các quốc gia của họ, đại diện của hai nước nói trong một tuyên bố chung rằng, không một cá thể tư nhân nào có thể có được quyền lực về tiền tệ, vốn là chủ quyền của các quốc gia.
Việc rút ra khỏi hiệp hội lần này của PayPal là dấu hiệu cho thấy đồng tiền ảo này bắt đầu lung lay và đang có nguy cơ bị loại bỏ. Thêm vào đó, tờ Wall Street Journal đã đưa tin rằng Visa, Mastercard và các đối tác tài chính khác của Facebook đang cân nhắc lại về việc tham gia Libra. Có thể thấy tương lai của Libra hết sức mờ mịt và có nguy cơ thất bại "từ trong trứng nước".