Oculus Rift, hay còn gọi là kính thực tế ảo (Virtual Reality - VR). Được phát triển bởi công ty Oculus, ngay khi bắt đầu được đưa vào thử nghiệm bản đầu tiên hồi đầu năm 2013, Oculus Rift đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của nhiều người dùng công nghệ thế giới.
Khi đeo kính, người dùng sẽ như được hòa mình vào không gian 3D với góc nhìn rộng 110 độ (trong khi màn hình máy tính chỉ 45 độ). Họ có thể xoay đầu để chuyển góc nhìn sang hướng khác, như thể đang quan sát hình ảnh trong đời thực.
Phòng thí nghiệm của trường đại học Udine đã đưa ra ý tưởng hướng dẫn các quy tắc an toàn hàng không bằng một trò chơi dựa trên Oculus Rift
Phòng thí nghiệm HCI của trường đại học Udine tại Ý mới đây đã cho ra mắt một trò chơi với cái tên “The Emergency Water Landing VR”, sử dụng kính thực tế ảo Oculus Rift. Trò chơi dựa trên một sự kiện có thật trong ngành hàng không, nhằm mục đích cho người dùng có cơ hội trải nghiệm một sự cố khẩn cấp trên máy bay, đồng thời hướng dẫn họ các quy tắc an toàn trên máy bay.
Bối cảnh của màn chơi là sự kiện của chuyến bay số hiệu 1549 của hãng hàng không US Airways vào ngày 15/1/2009 khi chiếc máy bay này gặp sự cố, bị mất cả 2 động cơ và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống một con sông. Được điều khiển bởi cơ trưởng Chesley B. Sullenberger, máy bay đã hạ cánh an toàn xuống sông Hudson, cứu sống toàn bộ 155 người trên máy bay. Sự kiện này sau đó đã được nhắc tới với cái tên “Điều kì diệu trên sông Hudson”
Người chơi sẽ đóng vai một hành khách trên chuyến bay 1549 và nhiệm vụ của họ sẽ là phải ra khỏi chiếc máy bay an toàn sau khi nó hạ cánh bằng cách tuân thủ đúng các quy định an toàn và hướng dẫn của các tiếp viên.
Người chơi sẽ phải tuân thủ đúng các quy tắc an toàn nếu muốn nhân vật của mình ra khỏi máy bay an toàn
Trả lời tờ MailOnline Travel, ông Luca Chittaro, người đứng đầu dự án cho biết: “Đây chỉ là một trong nhiều trò chơi có nội dung về an toàn ngành hàng không mà chúng tôi đang phát triển. Hiện nay các hãng hàng không vẫn sử dụng các đoạn phim hướng dẫn an toàn trên các chuyến bay, tuy nhiên chúng có vẻ không thu được sự chú ý của các hành khách, đó là lí do chúng tôi thực hiện dự án này. Người chơi sẽ được đặt vào một tình huống khẩn cấp, đòi hỏi cần phải nhanh trí và tuân thủ đúng các quy tắc an toàn nếu muốn nhân vật của mình sống sót”.
Ông Chittaro cho biết, nhóm của ông đã thực hiện một cuộc điều tra trên 2 nhóm sinh viên. 1 nhóm sẽ học các quy tắc an toàn qua các cách thông thường như sách vở và xem các đoạn phim; nhóm còn lại sẽ sử dụng kính thực tế ảo Oculus Rift để chơi trò chơi và rút ra kinh nghiệm. Sau 1 tuần thử nghiệm, nhóm thứ nhất đã có nhiều người rơi vào tình trạng “học trước quên sau”, trong khi nhóm sử dụng kính thực tế ảo lại có thể nhớ và áp dụng đầy đủ các quy tắc an toàn trên máy bay. “Chúng tôi thực sự hài lòng với kết quả nghiên cứu này” – Ông Chittaro chia sẻ.