Những ý tưởng khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, chẳng hạn như loại nước ép 700 USD, đã không còn được đánh giá cao, thậm chí còn bị chê cười. Tuy nhiên, đừng để cốc nước ép giá trên trời đánh lừa và khiến bạn nghĩ rằng Thung lũng Silicon đã cạn ý tưởng. Điều đó hoàn toàn sai lệch.
Hãy nhìn những thành tựu đang được phát triển ở Thung lũng Silicon, chẳng hạn xe tự lái, tên lửa tư nhân, khinh khí cầu phát sóng Internet, máy bay sử dụng năng lượng sạch cho đến trợ lý ảo, thiết bị thực tế ảo hay trí tuệ nhân tạo…. Những gã khổng lồ công nghệ ở đây không chỉ theo đuổi những khát vọng lớn lao mà còn đang nắm trong tay tương lai nhân loại, có khả năng làm thay đổi thế giới nhiều nhất.
Ở thời điểm hiện tại, chính phủ Mỹ tỏ ra khá thờ ơ trong việc tài trợ cho các công trình nghiên cứu khoa học, bao gồm công nghệ và hạ tầng. Người ta cũng chưa nhìn thấy dấu hiệu khả quan nào dưới chính quyền của tổng thống Donald Trump nếu không muốn nói các khoản tài trợ có thể tiếp tục sụt giảm hơn nữa.
Trí tuệ nhân tạo sẽ là chìa khóa của tương lai. Ảnh: CNET
Thay thế vai trò của chính phủ Mỹ hiện nay là những gã khổng lồ trong làng công nghệ. Nếu như Mỹ và nước khác không đổ thêm tiền cho các chương trình nghiên cứu, rõ ràng vận mệnh thế giới sẽ nằm trong tay các tập đoàn này thông qua cách họ triển khai Trí thông minh nhân tạo (AI).
Google là một ví dụ. Hôm 17/5, gã khổng lồ tìm kiếm công bố những đột phá của trợ lý ảo và hệ điều hành trên di động của mình. Chỉ cần sử dụng camera của điện thoại, Google sẽ cho bạn biết vật thể trước mắt mình là gì cũng như hàng loạt thông tin khác. Dù điều này rất tuyệt vời nhưng nó vẫn chưa thực sự được coi là đột phá trong thời buổi công nghệ bùng nổ hiện nay.
Tiến bộ thực sự của Google nằm ở lĩnh vực khác. Năm ngoái, Sundar Pichai, CEO Google, tuyên bố cái ông gọi là kỷ nguyên mới của Google khi coi trí tuệ nhân tạo là mục tiêu hàng đầu. Theo đó, hầu hết tiến bộ của gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm sẽ được thúc đẩy bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Công nghệ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong các sản phẩm của Google, chẳng hạn như dịch tức thì ngôn ngữ, nhận diện hình ảnh hay phát hiện ra các thuật ngữ mà người dùng tìm kiếm để hiển thị hình ảnh. Ngoài ra, công ty còn tham vọng dạy cho máy tính hiểu ngôn ngữ, có thể nhìn, nghe, chẩn đoán bệnh tật hay tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.
Với tham vọng này, thách thức, thất bại là những điều Google chắc chắn đã thấy. Tuy nhiên, nếu thành công, sự thay đổi sẽ vô cùng lớn, thậm chí tạo ra một ngành công nghiệp khổng lồ khác.
Các chính phủ thờ ơ với trí tuệ nhân tạo có thể gây ra những vấn đề nan giải. Ảnh: CNET
Ngoài Google, không thể không nhắc đến các tên tuổi khác trong Bộ 5 cuộc đua AI là Amazon, Apple, Facebook và Microsoft. Những ông lớn công nghệ này cũng chi rất nhiều tiền cho trí tuệ nhân tạo. Theo các số liệu, trong năm 2017, Bộ 5 sẽ chi tới 60 tỷ USD cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển AI. Để dễ hình dung, năm 2015, Chính phủ Mỹ chi 67 tỷ USD cho tất cả các chương trình nghiên cứu phi quốc phòng.
Dù trên phương diện nào, không thể phủ nhận những lợi ích mà Google và các gã khổng lồ công nghệ khác đang tạo ra cho xã hội. Xe tự lái có thể cứu mạng hàng chục nghìn người mỗi năm khỏi tai nạn giao thông trong khi chẩn đoán bệnh bằng trí tuệ nhân tạo có thể tăng cường khả năng điều trị, giảm chi phí và đảm bảo sức khỏe cho con người.
Tuy nhiên, đầu tư vào AI cũng có thể gây ra những vấn đề, nhất là khi nó quá chênh lệch với chi phí của các chính phủ. Việc AI được tạo ra chỉ để phục vụ mục đích kiếm lời của các công ty có thể khiến nó được triển khai theo cách chỉ có lợi cho một tổ chức hay một nhóm người.
Vấn đề đặt ra là chính phủ, tập đoàn cần cùng nhau tạo ra tương lai, cùng nhau thay đổi thế giới thay vì để một nhóm người tạo ra tương lai theo cách riêng của họ.
Nguồn internet.